Việt Nam cần 50.000 nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn trong 10 năm tới

Ngày đăng: 23/10/2023 - 08:23 AM

Cần nguồn nhân lực lớn

Ngành công nghiệp bán dẫn - đây là cụm từ được nhắc đến rất nhiều trong thời gian qua, nhất là khi Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden thăm chính thức Việt Nam theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và quan hệ hai nước nâng cấp lên Đối tác Chiến lược toàn diện. Cũng gần như ngay sau đó là chuyến công tác tại Hoa Kỳ vào tháng trước của Thủ tướng Phạm Minh Chính với hàng loạt cuộc làm việc với các tập đoàn công nghệ, sản xuất hàng đầu thế giới về bán dẫn.

Tuyên bố chung của Việt Nam và Hoa Kỳ mới đây cho thấy hai bên sẽ hợp tác sâu rộng về lĩnh vực khoa học và công nghệ. Đặc biệt, ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam được cho là đứng trước cơ hội lớn thu hút dòng vốn rất lớn từ Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, cần phải nhấn mạnh rằng để hấp thụ được dòng vốn này, chúng ta cần có sự chuẩn bị về nhân sự, đặc biệt là nhân sự chất lượng cao ngành bán dẫn. Theo dự báo, Việt Nam trong 10 năm tới cần khoảng 50.000 người từ trình độ đại học trở lên trong lĩnh vực này.

Hiện tại, số nhân lực thiết kế vi mạch của Việt Nam mới có khoảng 5.000 người. Nguồn nhân lực chất lượng cao hiện vẫn được coi là "điểm nghẽn" để Việt Nam có thể đón bắt cơ hội trong ngành công nghiệp chip bán dẫn.

Theo tờ Giáo dục và thời đại thì mặc dù ngành công nghệ vi mạch bán dẫn không phải là ngành đào tạo tạo hoàn toàn mới, đã có một số trường đại học lớn triển khai đào tạo từ nhiều năm nay, tuy nhiên số lượng sinh viên theo học và tốt nghiệp đến nay còn rất thấp.

Theo các Chuyên gia đánh giá trên tờ Công Thương thì hiện nhu cầu nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn là khoảng 5.000 - 10.000 kỹ sư một năm, song khả năng đáp ứng hiện chưa đến 1/5.

Đào tạo ngành bán dẫn vi mạch cần đột phá

Thực tế đã cho thấy sự thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ cao đang là một điểm nghẽn lớn hiện nay trong thu hút các tập đoàn công nghệ lớn chuyển dịch địa điểm đầu tư nghiên cứu, phát triển và sản xuất sang Việt Nam.

Do đó, rất cần phải có đột phá để khơi thông điểm nghẽn này. Trên tờ Tiền phong, Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá, thách thức lớn nhất là làm sao thu hút được sinh viên theo học các chuyên ngành này và nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu khắt khe của các doanh nghiệp nước ngoài.

Điều này rất cần các chính sách hỗ trợ đồng bộ, dẫn dắt từ phía Nhà nước. Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất các nhóm chính sách như hỗ trợ, khuyến khích người học, để nâng cao số lượng và chất lượng tuyển sinh đầu vào; chính sách hỗ trợ, đầu tư đột phá để tăng cường năng lực đào tạo và nghiên cứu; chính sách khuyến khích, thúc đẩy hợp tác đại học - viện nghiên cứu - doanh nghiệp, trong nước và ngoài nước.

Chuẩn bị nhân lực đón công nghệ bán dẫn

Theo dự thảo Chiến lược phát triển vi mạch bán dẫn Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2035, nội dung tăng số lượng và chất lượng nguồn nhân lực vi mạch là một nhiệm vụ trọng tâm. Theo Nhà khoa học vi mạch thế giới, GS.TS Đặng Lương Mô - người đã từ Nhật Bản trở về nước làm việc, thì để không bị chậm, bị lỡ cơ hội Việt Nam cần tăng tốc đào tạo gấp 3 - 5 lần so với các nước. Đây là yêu cầu không thể khác.

Đặt ra câu hỏi: Chúng ta đẩy mạnh phát triển để nắm bắt cơ hội này được không? GS.TS Đặng Lương Mô nhấn mạnh trên tờ Thanh niên: Nhiều nước trong khu vực làm được, chúng ta có thể làm tốt hơn họ bởi chúng ta có lực lượng chuyên gia giỏi trong ngành bán dẫn là người Việt ở nước ngoài rất đông. Họ đã và đang tư vấn, làm thuê cho các tập đoàn bán dẫn lớn toàn cầu. Hãy tận dụng chất xám đó để phát triển nguồn nhân lực cao cấp. Bên cạnh đó, với các tập đoàn công nghệ bán dẫn đã và sẽ vào Việt Nam, phải ràng buộc họ đầu tư mở rộng, gia tăng nguồn nhân lực nào cho Việt Nam.

Khẳng định ngành công nghiệp chip bán dẫn là "cơ hội mới" với Việt Nam, song Báo Tiền phong cũng cho rằng, nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo không nắm vai trò kiểm soát thì tình trạng đào tạo ồ ạt, bất chấp chất lượng rất có thể sẽ xảy ra như nhiều ngành học trước đây. Cái giá phải trả sẽ là thất nghiệp và quan trọng hơn là các doanh nghiệp mất niềm tin vào lao động Việt Nam.

Trước những ngành công nghệ mới, tuy sẵn sàng tâm thế đón nhận, chuẩn bị cơ sở vật chất, nhân lực để đáp ứng nhưng cũng không nên nóng vội đào tạo ồ ạt, không đảm bảo chất lượng để rồi gánh hậu quả lâu dài.

Zalo
Hotline