Trung Quốc lại rơi vào giảm phát

Ngày đăng: 13/11/2023 - 09:06 AM

Giá thịt lợn giảm mạnh khiến chỉ số giá tiêu dùng Trung Quốc quay đầu đi xuống trong tháng 10, bất chấp giới chức tìm cách tăng nhu cầu nội địa.

Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) hôm 9/11 công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) nước này giảm 0,2% trong tháng 10 so với cùng kỳ năm ngoái. So với tháng 9, CPI tháng 10 không thay đổi.

Lạm phát lõi (không tính giá thực phẩm và nhiên liệu) cũng chỉ tăng 0,6% trong tháng 10, thấp hơn mức tăng 0,8% của tháng 9. Điều này cho thấy cuộc chiến chống giảm phát của Trung Quốc còn dai dẳng. Nguy cơ không đạt mục tiêu lạm phát 3% năm nay cũng ngày càng lớn.

NBS cho biết giá thịt tháng 10 đã giảm 17,9%, chủ yếu do giá thịt lợn giảm 30,1%. Giá hàng hóa không phải thực phẩm tăng 0,7%.

Người dân mua đồ tại một khu chợ ở Bắc Kinh (Trung Quốc) hồi tháng 8/2023. Ảnh: Reuters

 

Chỉ số giá sản xuất (PPI) giảm tháng thứ 13 liên tiếp, với 2,6% trong tháng 10 so với cùng kỳ năm ngoái. Tốc độ này lớn hơn tháng 9.

Giảm phát được định nghĩa là mức giảm bền vững và trên quy mô lớn với giá hàng hóa, dịch vụ trong một khoảng thời gian nhất định. Đây không phải là điều tích cực với nền kinh tế. Vì khi người tiêu dùng và doanh nghiệp trì hoãn chi tiêu để kỳ vọng giá giảm thêm, hoạt động kinh tế sẽ bị kìm hãm.

Thị trường Trung Quốc hôm nay khá im ắng sau số liệu CPI. Chỉ số CSI 300 và chỉ số theo dõi cổ phiếu các công ty chăn nuôi gần như đứng yên. Đồng nhân dân tệ mất giá 0,1% so với USD.

Kinh tế Trung Quốc gần đây phát đi hàng loạt tín hiệu trái chiều, khiến các nhà kinh tế học tranh cãi liệu nước này có thể đạt mục tiêu tăng trưởng quanh 5% hay không. Hồi tháng 7, CPI Trung Quốc cũng giảm 0,3%, sau đó tăng trở lại trong tháng 8 và đứng yên trong tháng 9. Trước đó, chỉ số này cận kề mức giảm suốt vài tháng.

Trong quý III, GDP Trung Quốc tăng vượt dự báo, với 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Tốc độ này cao hơn dự báo của các nhà kinh tế học trong khảo sát của Reuters là 4,6%. Trước đó, tăng trưởng đạt 4,6% quý I và 6,3% quý II.

Sản lượng công nghiệp và doanh số bán lẻ tháng 9 đều tăng. Tỷ lệ thất nghiệp thì giảm. Tuy nhiên, đầu tư vào bất động sản giảm 9% trong 9 tháng đầu năm.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tuần này nâng dự báo tăng trưởng của Trung Quốc lên 5,4%, nhờ các chính sách hỗ trợ mạnh tay của giới chức. Trung Quốc đã nới lỏng chính sách tiền tệ và giảm hạn chế với việc mua nhà để bình ổn thị trường bất động sản.

Hà Thu (theo Reuters, FT)

Zalo
Hotline