Nghiên cứu mới đăng trên tạp chí Plos One hôm 8/3. Kết luận được đưa ra sau khi nhóm nhà khoa học quốc tế phân tích dữ liệu toàn cầu thu thập trong giai đoạn 1979 - 2019 từ gần 12.000 điểm lấy mẫu ở Đại Tây Dương, Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương và biển Địa Trung Hải. Kết quả, họ nhận thấy ô nhiễm nhựa ở đại dương gia tăng "nhanh chóng và chưa từng có" kể từ năm 2005.
"Mức độ cao hơn nhiều so với các ước tính trước đây", Lisa Erdle, giám đốc nghiên cứu và đổi mới tại Viện 5 Gyres, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết. Nghiên cứu mới cho thấy, tốc độ thải nhựa vào biển có thể tăng khoảng 2,6 lần từ nay đến năm 2040 nếu thế giới không khẩn cấp hành động.
Sản xuất nhựa tăng mạnh trong vài thập kỷ qua, đặc biệt là nhựa dùng một lần, trong khi hệ thống xử lý chất thải không theo kịp. Chỉ khoảng 9% nhựa toàn cầu được tái chế mỗi năm.
Một lượng lớn chất thải nhựa sẽ tiến vào các đại dương, đa số bắt nguồn từ đất liền, sau đó trôi xuống sông do mưa, gió, cống thoát nước bị tràn và hành động xả rác, cuối cùng trôi ra biển. Một lượng nhỏ hơn, nhưng vẫn đáng kể, là dụng cụ đánh bắt cá và vật khác bị thất lạc hoặc ném xuống biển.
Khi xâm nhập đại dương, nhựa không phân hủy mà có xu hướng vỡ thành nhiều mảnh nhỏ. "Những hạt này thực sự không dễ dọn sạch, chúng ta sẽ mắc kẹt với chúng", Erdle nói. Sinh vật biển có thể bị vướng vào nhựa hoặc nhầm lẫn với thức ăn. Nhựa cũng có thể làm rò rỉ hóa chất độc hại vào nước.
Việc xác định chính xác lượng nhựa trong đại dương rất khó. "Đại dương là một nơi phức tạp với nhiều dòng hải lưu, những thay đổi theo thời gian do thời tiết và do các điều kiện trên mặt đất", Erdle nói.
Nhóm chuyên gia đã dành nhiều năm xem xét những nghiên cứu và cả những phát hiện chưa được công bố từ các nhà khoa học khác để tổng hợp hồ sơ bao quát nhất có thể, cả về thời gian lẫn địa lý. Đa số mẫu nghiên cứu được thu thập ở Bắc Thái Bình Dương và Bắc Đại Tây Dương, nơi có dữ liệu dồi dào. Nhóm chuyên gia cho biết, họ vẫn cần thêm dữ liệu cho các khu vực như biển Địa Trung Hải, Ấn Độ Dương, Nam Đại Tây Dương và Nam Thái Bình Dương.
Theo Judith Enck, chủ tịch Beyond Plastics - tổ chức phi lợi nhuận tập trung vào nghiên cứu và nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng, các chính sách giảm sản xuất nhựa ngay từ đầu là giải pháp thiết thực duy nhất, đặc biệt là khi các công ty đang tiếp tục tìm ra những cách mới để bơm thêm nhựa vào thị trường.
Thu Thảo (Theo CNN)