Nhiều giải pháp thúc đẩy công nghiệp xanh vùng Đông Nam Bộ

Ngày đăng: 07/01/2025 - 08:19 AM

Các chuyên gia đã nêu hàng loạt giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp xanh cho vùng Đông Nam Bộ.

Công nghiệp xanh - xu thế tất yếu

Công nghiệp xanh (Green Industry), hay phát triển công nghiệp theo hướng tăng trưởng xanh, được hiểu là quá trình phát triển sản xuất công nghiệp mà không gây tổn hại đến hệ sinh thái tự nhiên hoặc để lại những hậu quả tiêu cực đối với sức khỏe con người. Mô hình công nghiệp này tập trung tích hợp các yếu tố môi trường và xã hội vào hoạt động của doanh nghiệp cũng như các ngành công nghiệp.

Công nghiệp xanh bao gồm hai nội dung cốt lõi là: Xanh hóa các ngành công nghiệp hiện hữu: Cải tiến các ngành công nghiệp đang hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, tối ưu hóa hiệu suất về mặt môi trường và giảm thiểu các nguy cơ đối với sức khỏe con người.

Xây dựng các ngành công nghiệp xanh mới, phát triển hệ thống các ngành công nghiệp mới như năng lượng tái tạo, quản lý và tái chế chất thải, vận tải thân thiện với môi trường, kiểm soát ô nhiễm không khí và cung cấp các dịch vụ liên quan đến giám sát, đo lường, cũng như phân tích chất lượng môi trường.

Nhiều giải pháp thúc đẩy công nghiệp xanh vùng Đông Nam Bộ
Xây dựng khu công nghiệp xanh, hiện đại là xu thế tất yếu cho vùng Đông Nam Bộ. (Ảnh minh họa)

Trong nhiều năm qua, vùng Đông Nam Bộ đã là đầu tàu và điểm sáng về tăng trưởng kinh tế, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp. Tuy nhiên, sự phát triển công nghiệp tại đây phần lớn vẫn dựa vào mô hình khai thác tài nguyên thiên nhiên. Công nghiệp hóa theo hướng "kinh tế nâu," với hiệu suất sử dụng tài nguyên thấp, gia tăng chất thải và ô nhiễm môi trường, cùng công nghệ sản xuất lạc hậu, đã bắt đầu xuất hiện các dấu hiệu "lão hóa công nghiệp".

Điều này đi ngược lại xu thế của tương lai, khi phát triển bền vững đang trở thành yêu cầu cấp thiết, đặt ra nhiều thách thức cho ngành công nghiệp của vùng. Trước thực tế đó, Đông Nam Bộ cần chuyển đổi sang mô hình phát triển bền vững, lấy công nghiệp xanh làm trọng tâm.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, công nghiệp xanh là giải pháp tối ưu để hướng đến sự phát triển bền vững, không chỉ cho vùng Đông Nam Bộ mà còn góp phần thúc đẩy sự bền vững cho cả nước.

Nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp xanh vùng Đông Nam Bộ

Theo các chuyên gia, thúc đẩy phát triển công nghiệp xanh vùng Đông Nam Bộ cần nhiều yếu tố, trong đó, việc cần làm là nâng cao nhận thức về phát triển công nghiệp xanh.

Trong đó, việc hiểu rõ lợi ích của công nghiệp xanh, vai trò và tầm quan trọng của việc triển khai sẽ tạo nền tảng để xây dựng các kế hoạch hành động và dự án cụ thể nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và thúc đẩy tăng trưởng xanh. Các cơ quan bộ, ngành và địa phương cần nhanh chóng rà soát quy hoạch, đồng thời tích hợp Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh vào các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng lộ trình và kịch bản cụ thể cho công nghiệp xanh.

Nhiều giải pháp thúc đẩy công nghiệp xanh vùng Đông Nam Bộ
Đến năm 2030, Đông Nam Bộ trở thành vùng hiện đại, có công nghiệp phát triển. (Ảnh: TTXVN)

Ngoài ra, vùng Đông Nam Bộ cần hoàn thiện thể chế tài chính cho đổi mới công nghệ xanh, một trong những thách thức lớn đối với phát triển công nghiệp xanh là thiếu nguồn lực tài chính để đổi mới công nghệ. Nhu cầu vốn cho quá trình này rất lớn, do đó cần có chính sách tài chính công linh hoạt và cơ chế tài chính sáng tạo.

Việc huy động nguồn vốn không thể chỉ dựa vào ngân sách nhà nước mà phải khuyến khích sự tham gia của các nguồn vốn tư nhân thông qua mô hình hợp tác công tư (PPP), đồng thời tận dụng các nguồn hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế. Ngân sách nhà nước nên ưu tiên đầu tư vào các dự án hạ tầng kinh tế - xã hội không có khả năng hoàn vốn trực tiếp hoặc khó xã hội hóa, trong khi các nguồn lực tư nhân được định hướng đầu tư vào các dự án thương mại và đổi mới công nghệ xanh.

Cùng với đó, vùng Đông Nam Bộ cần phát triển nguồn nhân lực xan, bởi nguồn nhân lực là yếu tố quyết định đến sự thành công của công nghiệp xanh. Do yêu cầu về trình độ cao trong sản xuất sạch, các doanh nghiệp công nghiệp xanh cần nguồn nhân lực có kỹ năng chuyên sâu và chất lượng cao.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nguồn nhân lực này còn nhiều hạn chế. Vì vậy, cần ban hành các chính sách và chương trình giáo dục đào tạo, bồi dưỡng để xây dựng đội ngũ nhân lực xanh đủ về số lượng, có trình độ cao và cơ cấu hợp lý, đáp ứng nhu cầu phát triển trong các doanh nghiệp công nghiệp xanh.

Tiếp đến, vùng Đông Nam Bộ cần hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và Nhà nước. Công nghiệp xanh là lĩnh vực mới, đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn để đổi mới công nghệ và xây dựng hạ tầng. Trong giai đoạn đầu triển khai, hiệu quả kinh tế của các dự án này có thể thấp, chưa mang lại giá trị kinh tế cao.

Do đó, Nhà nước cần tăng cường hỗ trợ tài chính, đặc biệt đối với các dự án lớn có tính liên kết vùng. Đồng thời, cần xây dựng các chính sách ưu đãi, cơ chế chia sẻ rủi ro giữa doanh nghiệp và Nhà nước nhằm thúc đẩy doanh nghiệp tham gia phát triển công nghiệp xanh.

Nhiều giải pháp thúc đẩy công nghiệp xanh vùng Đông Nam Bộ
Mục tiêu đến 2025, Đông Nam Bộ trở thành trung tâm khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics dẫn đầu. (Ảnh: TTXVN)

Đặc biệt, cần hoàn thiện quy hoạch và quản lý phát triển khu công nghiệp theo hướng công nghiệp xanh. Trong đó, quy hoạch các khu kinh tế, khu công nghệ cao, khu công nghiệp, và khu chế xuất cần được thực hiện và điều chỉnh phù hợp với thực tiễn và định hướng phát triển xanh. Quy hoạch phải đảm bảo tính khoa học, tập trung xây dựng các khu đô thị thông minh, đô thị xanh mang bản sắc văn hóa địa phương, trở thành động lực phát triển bền vững. Hệ thống đô thị cần kết hợp giữa hiện đại và thân thiện với môi trường, bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, đảm bảo sự văn minh và tính bền vững trong phát triển.

Vùng Đông Nam Bộ giữ vai trò trọng yếu trong phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, là động lực kinh tế, trung tâm công nghiệp, cảng biển, hàng không và logistics hàng đầu với các địa phương chủ chốt như TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu...

Đây cũng là khu vực kinh tế sôi động, có hệ thống giao thông hoàn chỉnh với đầy đủ 5 loại hình vận tải, đảm nhiệm vai trò kết nối thiết yếu trong giao thương nội địa và quốc tế. Khu vực này sở hữu lực lượng lao động có trình độ cao, năng động, đóng góp khoảng 32% GDP cả nước, đảm nhận 45% tổng khối lượng hàng hóa và hơn 60% lượng hàng container qua hệ thống cảng biển Việt Nam.

Diệu Linh

Zalo
Hotline