Hiện tại, các sản phẩm của nhựa Việt Nam đã có mặt tại 151 thị trường trên thế giới, kể cả những thị trường đòi hỏi chất lượng cao, tiêu chuẩn kỹ thuật tối ưu như Nhật Bản, Mỹ, EU. Trước những khó khăn chung của thị trường, nhưng các sản phẩm ngành nhựa Việt Nam vẫn có nhiều lợi thế so với các nước xuất khẩu đồ nhựa khác. Các mặt hàng nhựa của Việt Nam có khả năng thâm nhập thị trường tương đối tốt, được đánh giá có khả năng cạnh tranh cao, nhạy bén trong việc tiếp vận với công nghệ sản xuất hiện đại.
1. Thuận lợi cho phát triển ngành nhựa Việt Nam
Xuất khẩu nhựa của Việt Nam chủ yếu đến từ nhóm những công ty FDI (chiếm 60% giá trị xuất khẩu toàn ngành), những công ty này sử dụng những công nghệ tiên tiến, đáp ứng được tiêu chuẩn chất lượng của các thị trường nước ngoài. Như vậy, trong thời gian tới, ngành nhựa đang có được nhiều thuận lợi cho những bước phát triển mới như:
- Ngành nhựa Việt Nam có năng lực cạnh tranh tốt ở một số dòng sản phẩm như bao bì, đồ gia dụng và nhiều doanh nghiệp đã đầu tư vào công nghệ để cho ra được các sản phẩm đáp ứng yêu cầu cao của các thị trường khó tính như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ.
- So với nhiều đối thủ cạnh tranh, nhựa Việt Nam có một số ưu thế như: có giá cả cạnh tranh hơn do có nguồn nhân lực giá rẻ dồi dào, được hưởng thuế quan ưu đãi GSP của EU và các cam kết FTA với các thị trường. khả năng tiếp cận với nguồn nguyên liệu tái chế giá rẻ (do chính sách quản lý nhập khẩu nhựa tái chế của Việt Nam còn tương đối thoáng)
- Các đối thủ cạnh tranh lớn của nhựa Việt Nam tại các thị trường lớn như EU, Mỹ như Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia đã bị áp thuế chống bán phá giá của EU đối với một số sản phẩm túi nhựa từ năm 2006. Vì vậy, các sản phẩm nhựa Việt Nam đã có một khoảng thời gian có lợi thế cạnh tranh khi xuất khẩu so với các đối thủ này để có thể chiếm lĩnh một phần thị trường tiềm năng này.
2. Khó khăn của ngành nhựa Việt Nam
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi kể trên, ngành nhựa cũng còn gặp rất nhiều khó khăn trong phát triển khi ngành vẫn chưa chủ động được nguồn nguyên liệu, những khó khăn được điểm ra như sau:
- Thị trường EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc,... khó tính với nhiều yêu cầu cao về chất lượng và mẫu mã trong khi nhựa Việt Nam chưa có nhiều sản phẩm chất lượng cao do công nghệ sản xuất vẫn còn nghèo nàn, chưa tự sản xuất được các dây chuyền, khuôn đúc phải phụ thuộc phần lớn vào nhập khẩu nên mẫu mã sản phẩm chưa đa dạng, phong phú.
- Việc phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu nên giá cả và số lượng sản xuất của các doanh nghiệp thường không ổn định, phụ thuộc vào biến động thị trường nhập khẩu.
- Nhiều doanh nghiệp sản xuất nhựa Việt Nam vẫn chưa chú trọng vào xây dựng thương hiệu, tìm kiếm đối tác, thị trường, chuyên nghiệp hóa trong các khâu chào hàng, bán hàng, hậu mãi… nên chưa tạo được quan hệ làm ăn lâu dài với các đối tác nhập khẩu.
- Khách hàng từ các thị trường khó tính rất quan tâm đến các vấn đề xã hội như lao động (doanh nghiệp sản xuất nhựa có đảm bảo đầy đủ các quyền lợi của người lao động hay không), môi trường (các sản phẩm nhựa có thể tái chế, có thể phân hủy hay không, quy trình sản xuất có gây ô nhiễm môi trường không)… trong khi nhiều doanh nghiệp Việt Nam có thể chưa đảm bảo thật đầy đủ các yêu cầu này.
3. Những điểm hạn chế cản trở phát triển công nghiệp nhựa
Nguyên liệu đầu vào chính của ngành nhựa là các bột nhựa và hạt nhựa PE, PP, PVC, PS và PET, được sản xuất chủ yếu từ dầu-khí-than. Trong đó 75%-80% nguyên liệu và phụ liệu đầu vào phục vụ cho hoạt động sản xuất nhựa phải nhập khẩu do nguồn cung trong nước hiện nay chỉ có thể đáp ứng khoảng 1 triệu tấn nguyên phụ liệu (chủ yếu là nhựa PVC, PET và PP), đặc biệt thiếu nguồn cung nguyên liệu nhựa tái sinh, công nghiệp hỗ trợ ngành nhựa chưa phát triển.
Chi phí cho nguyên liệu chiếm tỉ trọng cao nhất trong cơ cấu chi phí của ngành nhựa. Tuy nhiên các công ty nhựa Việt Nam không thể chủ động nguồn cung cấp trong nước, phải nhập khẩu đến 80% nguyên liệu đầu vào. Tình trạng này dẫn đến việc các công ty nhựa phải duy trì tồn kho nguyên liệu lớn để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh không bị gián đoạn. Kéo theo đó là chi phí tài chính gia tăng, cộng thêm rủi ro về thay đổi tỷ giá và giá dầu thế giới. Hạn chế này là đặc điểm chung của cả ngành nhựa Việt Nam và khó có thể thay đổi trong vài năm tới.
Lượng lớn nguyên liệu đầu vào phải nhập khẩu sẽ khiến các công ty xuất khẩu sản phẩm nhựa khó tận dụng được ưu đãi thuế do những quy định liên quan đến xuất xứ hàng hóa. Bên cạnh đó, giá nhựa nguyên liệu nhập khẩu thường biến động tương ứng với thay đổi của giá dầu (nhất là thời gian vừa qua khi giá dầu tăng/giảm bất thường và khó dự báo), tạo nên những rủi ro về chi phí đầu vào và lỗ do chênh lệch tỷ giá USD/VND, làm ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của các công ty nội địa. Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ chỉ mới tập trung vào một số sản phẩm nhựa, chưa có cơ chế và chính sách hỗ trợ riêng cho toàn ngành.
Các sản phẩm nhựa Việt Nam hầu hết nằm ở phân khúc tầm thấp nên các công ty quy mô nhỏ và vừa (chiếm hơn 90% trong tổng số 2.000 công ty nhựa) thường ít chú trọng đến việc đầu tư công nghệ, máy móc hiện đại. Bên cạnh đó, các công ty vừa và nhỏ thường gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay do những hạn chế về tài sản đảm bảo, chi phí lãi vay cao… Chỉ có một số rất ít các công ty có quy mô sản xuất lớn chịu đầu tư chuyên sâu và có những sản phẩm đáp ứng được nhu cầu và thị hiếu ngày càng cao của người tiêu dùng. Điều này khiến sức cạnh tranh của sản phẩm nhựa Việt Nam trên thị trường không lớn, đặc biệt là những sản phẩm nhựa gia dụng.
Thuế nhập khẩu đối với hạt nhựa PP đã tăng từ 1 lên 3% kể từ 01/01/2017. Hiện nay, tỷ lệ nguyên liệu nhập khẩu mà ngành công nghiệp nhựa Việt Nam từ nước ngoài lên tới 80% tổng nhu cầu cho chất dẻo nguyên liệu. Hạt nhựa PP là một trong hai nguyên liệu nhựa phải nhập khẩu nhiều nhất, việc tăng thuế nhập khẩu đối với hạt nhựa PP sẽ tác động không nhỏ tới chi phí đầu vào của các công ty sản xuất nhựa nói chung và đặc biệt là những công ty sản xuất nhựa bao bì có nguồn gốc PP.
4. Đề xuất một số giải pháp phát triển ngành nhựa Việt Nam trong giai đoạn tới
Trong thời gian qua, Đảng và nhà nước đã ban hành một số cơ chế, chính sách để định hướng và hỗ trợ sự phát triển của ngành sản xuất nhựa. Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 2992/QĐ-BCT ngày 17/6/2011 phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành Nhựa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025. Theo Quy hoạch này, ngành Nhựa Việt Nam được phát triển theo hướng đồng bộ từ sản xuất nguyên liệu đến chế biến sản phẩm cuối cùng, xử lý phế liệu nhựa về chế biến thành nguyên liệu, tăng dần tỷ trọng nguyên liệu trong nước để trở thành ngành công nghiệp tự chủ.
4.1. Giải pháp về chính sách
Quy hoạch ngành cũng đưa ra mục tiêu chuyển dịch cơ cấu ngành Nhựa theo hướng sản xuất những sản phẩm chất lượng cao, giảm tỷ trọng các nhóm sản phẩm nhựa bao bì và nhựa gia dụng, tăng tỷ trọng nhóm sản phẩm nhựa vật liệu xây dựng và nhựa kỹ thuật.
Vì vậy, để thúc đẩy phát triển ngành, cần chủ động, tích cực hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan đến đầu tư; chủ động tiếp cận các dòng vốn đầu tư có chất lượng thông qua đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, tiếp cận, vận động các tập đoàn lớn, tập đoàn công nghệ; chủ động thúc đẩy hợp tác đầu tư và chuỗi cung ứng trong các khuôn khổ hợp tác với các đối tác có tiềm lực tài chính và công nghệ; chủ động chọn lọc các dự án đầu tư nước ngoài, kiên quyết từ chối các dự án không phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội cũng như không đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn công nghệ, môi trường…
Các cơ quan liên quan cần sớm có quy định, chính sách ưu đãi cụ thể đi kèm với điều kiện được hưởng ưu đãi để thu hút đầu tư, hình thành các chuỗi sản xuất, cung ứng có giá trị gia tăng, khuyến khích đầu tư gắn với công nghệ cao, chuyển giao công nghệ; đồng thời, ngăn ngừa các dự án đầu tư tiềm ẩn rủi ro ô nhiễm môi trường, công nghệ lạc hậu…
4.2. Giải pháp về công nghệ
Để đạt mục tiêu phát triển ngành nhựa theo hướng hiện đại, cần tăng cường tự động hóa, từng bước loại bỏ công nghệ, thiết bị cũ, đổi mới công nghệ, sử dụng thiết bị tiên tiến, hiện đại của thế giới là điều kiện tiên quyết. Theo đó, đầu tư phát triển ngành nhựa đi vào công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch, tiết kiệm năng lượng; tạo ra các sản phẩm có chất lượng và giá trị gia tăng cao, giá thành hạ, đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.
Tập trung phát triển, hoàn thiện các bước trong quy trình công nghệ, trong đó bao gồm các nhóm công nghệ thiết kế sản phẩm, nhóm công nghệ thiết kế và chế tạo khuôn mẫu, nhóm công nghệ hoàn thiện sản phẩm, nhóm công nghệ lắp ráp sản phẩm, nhóm công nghệ đo kiểm sản phẩm. Tương ứng với mỗi công nghệ cũng cần phải có các chương trình nghiên cứu và phát tiển cũng như việc đầu tư các hạ tầng nghiên cứu tương ứng.
4.3. Giải pháp về nghiên cứu và tăng cường năng lực sản xuất
Cần thúc đẩy các hoạt động đào tạo, đầu tư tăng cường năng lực sản xuất và thiết kế cho ngành. Trong đó, nên đầu tư xây dựng các Trung tâm hỗ trợ cho ngành nhựa Việt Nam như: 1) Trung tâm thiết kế sản phẩm; 2) Trung tâm thiết kế sản phẩm mô phỏng, trang bị hệ thống máy in 3D để tạo sản phẩm mẫu; 3) Trung tâm nghiên cứu vật liệu nhựa có chức năng phân tích và đo kiểm hiện đại; 4) Trung tâm nghiên cứu thiết kế, chế tạo và thử nghiệm máy móc, thiết bị cho ngành nhựa hiện đại phục vụ cho công nghệ chế tạo, gia công máy móc và thiết bị.
4.4. Giải pháp ứng phó với các biện pháp, yêu cầu của thị trường xuất khẩu
Ngoài các vấn đề về thuế quan và thủ tục xuất xứ, khi xuất khẩu các sản phẩm nhựa sang các thị trường như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ,.. các doanh nghiệp nhựa Việt Nam cần chú ý đáp ứng và tuân thủ đầy đủ các quy định nhập khẩu khác, như các quy định về chất lượng, kỹ thuật, ghi nhãn, đặc biệt phải thường xuyên cập nhật quy định từ các thị trường để nếu có thay đổi cũng kịp thời đáp ứng.
Ngoài ra, khi xuất khẩu doanh nghiệp cũng phải đáp ứng được các yêu cầu của nhà nhập khẩu và đáp ứng được thị hiếu của người tiêu dùng. Vì thế, giải pháp hữu hiệu nhất là làm việc cụ thể với phía nhập khẩu xem họ yêu cầu các tiêu chí tiêu chuẩn cụ thể nào, và thị hiếu của người tiêu dùng ra sao để đáp ứng được đầy đủ.
4.5. Giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh
Với những thị trường xuất khẩu khó tính và đã tồn tại rất nhiều đối thủ cạnh tranh do đây là thị trường tiềm năng của tất cả các nước xuất khẩu. Do đó, để thâm nhập và chiếm lĩnh được thị trường này doanh nghiệp nhựa phải nâng cao năng lực cạnh tranh của mình, cụ thể:
+ Đầu tư vào máy móc,thiết bị và đổi mới công nghệ: Ngành nhựa là một ngành mà chất lượng sản phẩm phụ thuộc rất nhiều vào máy móc và công nghệ sản xuất. Do đó, muốn nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm nhựa thì doanh nghiệp cần đầu tư vào máy móc và công nghệ.
+ Đầu tư vào nguồn nhân lực: Có kế hoạch đào tạo lao động bài bản, thường xuyên bồi dưỡng năng lực cho các cán bộ chủ chốt, đặc biệt là các kỹ sư công nghệ, các chuyên viên nghiên cứu thị trường…
+ Chú trọng xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm: Đây là vấn đề các doanh nghiệp Việt Nam thường ít chú trọng, chủ yếu làm theo đơn hàng gia công của nước ngoài nên giá trị gia tăng không cao. Vì thế để nâng cao lợi nhuận các doanh nghiệp cần đầu tư xây dựng thương hiệu của riêng mình, và đầu tư phát triển thương hiệu đó, quảng bá tới các nhà nhập khẩu và người tiêu dùng EU thông qua các hình thức khác nhau.
+ Nghiên cứu kỹ thị trường, thị hiếu của người tiêu dùng: Do thị trường EU, Mỹ đã tương đối bão hòa các sản phẩm nhựa nhập khẩu, nên việc tìm ra thị trường ngách có lẽ là giải pháp phù hợp cho nhiều doanh nghiệp nhựa Việt Nam. Đặc biệt sau giai đoạn dịch COVID-19 nhiều người tiêu dùng EU có xu hướng chuyển sang các sản phẩm có giá cả phải chăng hơn, khi đó hàng nhựa Việt Nam có thể sẽ có nhiều cơ hội ở thị trường này. Để đáp ứng được thị hiếu của người tiêu dùng, doanh nghiệp cần đầu tư nghiên cứu thị trường đầy đủ và kết nối chặt chẽ với các nhà nhập khẩu để xác định chính xác nhất những sản phẩm mà thị trường và người tiêu dùng EU đang có nhu cầu cao.
Ngoài ra, các doanh nghiệp nhựa Việt Nam cũng có thể cân nhắc giải pháp liên doanh liên kết với các doanh nghiệp nước ngoài để tăng thêm tiềm lực tài chính, quản lý và đặc biệt là công nghệ để có thể nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp và sản phẩm của mình, từ đó có thể thâm nhập các thị trường phát triển, không chỉ EU Nhật Bản, Hoa Kỳ, Canada… mà còn tiến xa thêm các thị trường khác./.
Nguồn: EVFTA và ngành nhựa Việt Nam - VCCI; Báo cáo xuất nhập khẩu Việt Nam 2020 – Tổng Cục hải quan; Tổng quan ngành nhựa – Hiệp hội nhựa Việt Nam (VPA); “Điểm nghẽn "kìm đà" phát triển của ngành công nghiệp nhựa Việt Nam” – Bộ Công Thương; ….
ThS. Lê Anh Tú
Phòng Thông tin Thư viện và Xúc tiến Thương mại - VIOIT