Yêu cầu có một thị trường giao dịch rác thải để đảm bảo minh bạch đầu vào là điều mà nhiều doanh nghiệp tái chế hiện nay mong mỏi khi thực hiện cơ chế EPR.
Thiếu thị trường giao dịch minh bạch, chi phí tái chế tăng cao
Hiện mỗi năm Việt Nam thải ra khoảng 3,9 triệu tấn rác thải nhựa, và khoảng 33% trong số đó được tái chế. Quản lý rác thải nhựa không hiệu quả, từ khâu thu gom đến xử lý, sẽ gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường đất và biển, ảnh hưởng xấu đến hệ sinh thái và sức khỏe con người.
Quản lý rác thải nhựa không hiệu quả, từ khâu thu gom đến xử lý, sẽ gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường (Ảnh Cấn Dũng)
Để giải quyết vấn đề này, Việt Nam đang hướng tới nền kinh tế tuần hoàn, tập trung mạnh mẽ vào định hướng tái chế, xem chất thải và chất thải nhựa là tài nguyên.
Được thể chế hóa trong Luật Bảo vệ Môi trường (EPR) 2020, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP và Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT, quy định Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) dự kiến sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tái chế chất thải, đặc biệt là vật liệu nhựa.
Theo báo cáo của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Đức – GIZ công bố năm 2022, nhu cầu về vật liệu nhựa trong nước của Việt Nam, dù là nhựa nguyên sinh hay tái chế, mới chỉ được đáp ứng khoảng 20%. Ngành tái chế Việt Nam đang đối mặt sự thiếu hụt trầm trọng nguồn cung đầu vào đối nhựa PET, PP và PE. Nguồn phế liệu nhựa trong nước pha tạp phế liệu hỗn hợp và chất lượng thấp, trong khi chi phí thu mua lại cao do hạn chế về cơ sở hạ tầng thu gom, thực thi phân loại rác tại nguồn kém hiệu quả và thiếu các tiêu chuẩn rõ ràng cho ngành tái chế cũng như thiếu thị trường giao dịch chính thức cho rác thải nhựa.
Ông Phạm Minh Tuấn - Tổng giám đốc công ty cổ phần Vikohasan cho biết: Hiện chúng tôi đang tham gia giao dịch phi chính thức, không có chứng từ, hóa đơn. Cơ bản giao dịch chính thức hạn chế, kể cả giao dịch trên Facebook hay Zalo.
"Những vựa ve chai gần như họ đang giao dịch theo thói quen với một số cơ sở thu gom, tái chế thân thiết, mình có đặt vấn đề đưa giao dịch lên mạng rất khó được chấp thuận, thực hiện giao dịch trên các nhóm trên Facebook hay Zalo chỉ có các đơn vị tái chế tham gia" - ông Tuấn cho hay.
Cũng tương tự nhi Vikohansan, là doanh nghiệp tái chế nhựa hàng đầu Việt Nam, sản phẩm nhựa tái chế của Công ty Cổ phần Nhựa tái chế Duy Tân (DUYTAN Recycling) cũng gặp nhiều khó khăn trong việc thiếu chứng từ thu mua nguyên liệu đầu vào là rác thải nhựa được thu gom từ lực lượng ve chai, đồng nát.
Ông Lê Anh – Giám đốc Phát triển bền vững của DUYTAN Recycling cho hay: Do thu mua nguyên liệu từ ve chai, không có hóa đơn chứng từ đầu vào, điều này đã khiến doanh nghiệp tái chế gặp khó khăn trong minh bạch hoạt động và sản phẩm.
Hiện nhiều doanh nghiệp tái chế gặp khó khăn không có hóa đơn đầu vào do thu mua từ ve chai, đồng nát (Ảnh minh họa: Thu Hường)
Ông Lê Anh cho biết, do thu mua từ ve chai nhỏ lẻ nên doanh nghiệp chưa có chứng từ, hóa đơn đầu vào để ghi nhận chi phí hợp lý, hợp lệ. Để đảm bảo việc tuân thủ các quy định về thuế, DUYTAN Recycling đề xuất cơ chế khấu trừ thuế thu nhập cá nhân khi thu mua phế liệu từ các cá nhân và hộ cá nhân kinh doanh.
Cụ thể theo cơ chế ủy quyền cho doanh nghiệp thực hiện khấu trừ, kê khai và nộp thuế thay các vựa phế liệu. Đối với khoản thu nhập từ bán phế liệu nhựa mà Công ty chi trả cho các vựa phế liệu là các cá nhân/hộ kinh doanh không thực hiện đăng ký, kê khai và nộp thuế với mức thuế suất áp dụng theo quy định tại Thông tư 40/2021/TT-BTC là 1% thuế GTGT và 0,5% thuế thu nhập cá nhân tính trên giá thanh toán cho vựa phế liệu.
Cần xây dựng sàn giao dịch nguyên vật liệu thứ cấp
Hiện, chiến lược chuyển đổi số đã mang đến các giải pháp đầy hứa hẹn trên toàn chuỗi giá trị tái chế, đơn giản hóa việc tái chế cho người tiêu dùng, tăng cường thu gom, cải thiện nhận diện vật liệu, hỗ trợ tuân thủ quy định và tạo ra thị trường cho các vật liệu tái chế.
Theo đánh giá của các chuyên gia, Việt Nam vẫn thiếu vắng thị trường trực tuyến uy tín và minh bạch nhằm thúc đẩy việc trao đổi, mua bán nguyên vật liệu thứ cấp. Những nền tảng hiện có thường không đảm bảo về nguồn gốc, chất lượng và tính bền vững của vật liệu; trong khi đó, các tập đoàn lớn – các đơn vị có nhu cầu vật liệu tái chế cao - lại yêu cầu khắt khe đối với nguyên vật liệu đầu vào nhằm đáp ứng các chiến lược cung ứng có trách nhiệm và bền vững.
Để ‘lấp lỗ hổng’ thiếu thị trường chính thức cho giao dịch nguyên liệu thứ cấp, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) đặt mục tiêu thúc đẩy các thị trường trực tuyến cho nguyên liệu thứ cấp ở Việt Nam, khởi đầu đối với ngành nhựa và dệt may.
Theo bà Fanny Queramp – Chuyên gia cao cấp Chương trình thúc đẩy các thị trường trực tuyến cho nguyên liệu thứ cấp ở Việt Nam của UNDP: Công nghệ số có thể cải thiện các quy trình và hậu cần ở các giai đoạn khác nhau của chuỗi giá trị, ví dụ: thông qua hệ thống quản lý chất thải thông minh giúp việc thu gom, theo dõi, truy vết và/hoặc tái chế hiệu suất cao hơn. Cùng với đó các bên sẽ xác định được nhu cầu giữa nhà tái chế và nhà cung ứng đối với chất thải sau công nghiệp và chất thải sau tiêu dùng. Ngoài ra, đối với những người bán không có sẵn nền tảng web, Marketplace mang đến cơ hội bán sản phẩm mới trực tuyến mà không cần bất kỳ khoản đầu tư nào, trong khi đối với người bán có nền tảng web, mô hình Marketplace cho phép họ giảm đáng kể chi phí vận chuyển và lưu kho, mô hình này cũng cho phép bán hết hàng nhanh hơn.
Các doanh nghiệp tái chế đang cần một sàn giao dịch nguyên liệu thứ cấp minh bạch (Ảnh Duy Tân)
Theo đại diện Công ty CP Đầu tư và Kỹ thuật tài nguyên môi trường ETC: Nếu thành lập được một sàn giao dịch điện tử về nguyên liệu thứ cấp chúng tôi rất ủng hộ. Hiện trong quá trình phát triển, công ty đang phải đối diện cạnh tranh các đơn vị nhỏ lẻ, không chứng từ, không hóa đơn khi thu mua từ các cơ sở thu gom đồng nát, nếu xuất bán nguyên liệu thứ cấp cho Vikohasan chẳng hạn chúng tôi phải có hóa đơn chứng từ, nhưng đơn vị khác thì không có.
"Thực hiện qua sàn giao dịch điện tử sẽ góp phần minh bạch thị trường và hoạt động của doanh nghiệp, sẽ phân loại nguyên liệu và thu gom tốt hơn qua đó giảm thiểu tác động môi trường. Đồng thời, tăng nguồn thu thuế cho nhà nước, nguyên liệu đầu vào đáp ứng cho các sản phẩm tái chế đạt tiêu chuẩn quốc tế từ đó mới đáp ứng được yêu cầu chất lượng sản phẩm tái chế cho các nhãn hàng lớn". - đại điện Công ty CP Đầu tư và Kỹ thuật tài nguyên môi trường ETC cho hay.
Ông Phạm Hoàng Hải – Văn phòng Doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững – VCCI cho biết, theo khảo sát của VCCI về mong muốn của các doanh nghiệp đối với sự phát triển của thị trường nguyên vật liệu thứ cấp có 74% doanh nghiệp, doanh nghiệp ngành nhựa là 83%, doanh nghiệp thuộc ngành giấy là 72%; Quan tâm tham gia thị trường nguyên vật liệu thứ cấp theo khảo sát có 37% doanh nghiệp, các doanh nghiệp thuộc ngành nhựa là 49%, các doanh nghiệp ngành giấy là 37%. Còn trong chuỗi giá trị dòng nguyên vật liệu thì nhóm xử lý chất thải mong muốn tham gia thị trường lớn hơn so với nhóm tiêu thụ.
Từ khảo sát trên, ông Phạm Hoàng Hải cho rằng cần thiết phải thiết lập một hệ thống minh bạch tốt để mua bán và thúc đẩy sử dụng nguồn nguyên liệu tái chế cho thị trường tại Việt Nam. Trong đó, thị trường nguyên liệu cần được phối hợp trên nền tảng đối tác Công -Tư với sự tham gia của các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp.
"Đồng thời, thị trường nên được vận hành bằng nguồn phí thu được từ các thành viên tham gia và được tự động thực hiện trong tương lai với cơ chế bảo lãnh". - ông Hải khuyến cáo.
Thu Hường