Doanh nghiệp Mỹ tăng tốc tìm điểm đến thay Trung Quốc

Ngày đăng: 26/10/2023 - 08:39 AM

Vài năm qua, sự lạc quan của các công ty Mỹ vào hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc dần giảm sút, do căng thẳng hai nước leo thang.

Vermeer - công ty của Jason Andringa từng tham gia làn sóng doanh nghiệp Mỹ xây nhà máy tại Trung Quốc. Cách đây 20 năm, hãng sản xuất máy móc công nông nghiệp có 4.000 lao động này đã xây cơ sở ở Trung Quốc. Andringa, CEO công ty, cũng thường xuyên tới thăm nhà máy.

Nhưng vài năm qua, sự hào hứng của Vermeer và nhiều hãng sản xuất khác dần đi xuống. "Nếu không phải vì đã có một nhà máy ở đây, chúng tôi sẽ không chọn nơi này ở thời điểm hiện tại đâu", ông nói.

Andringa không có kế hoạch rời đi và vẫn hài lòng với hoạt động ở đây. Tuy nhiên, ông cho biết sẽ không mở rộng, do căng thẳng Mỹ - Trung Quốc nhiều khả năng leo thang. Ông lo ngại công ty sẽ ngày càng khó tìm nhân viên và cạnh tranh công bằng tại đây.

Tuần trước, giới chức Mỹ thông báo có kế hoạch cấm xuất khẩu sang Trung Quốc các loại chip AI tiên tiến. Động thái này nhằm ngăn Bắc Kinh tiếp cận các công nghệ đột phá mà Mỹ cho rằng có thể dùng trong vũ khí.

Các khảo sát gần đây chỉ ra lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ hiện nóng lòng muốn giảm hiện diện tại Trung Quốc và chuyển hướng đầu tư sang các nước khác. Tâm lý này trái ngược hoàn toàn với trước đây, khi việc các công ty mở nhà máy tại Trung Quốc được nhà đầu tư tại Wall Street hoan nghênh.

Công nhân trong nhà máy đồ chơi của Kids2 tại Giang Tây (Trung Quốc). Ảnh: Reuters

Theo Cục Phân tích Kinh tế Mỹ, Mexico đã vượt Trung Quốc để trở thành điểm đến hàng đầu cho đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Mỹ. Một khảo sát của Hội đồng Kinh doanh Mỹ - Trung cũng chỉ ra ngày càng nhiều công ty Mỹ giảm đầu tư vào Trung Quốc.

Quan hệ thương mại hai bên được dự báo là chủ đề chính nếu Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp nhau tháng tới tại Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC).

Ban đầu, việc tìm điểm đến thay thế Trung Quốc chỉ diễn ra trên quy mô nhỏ, khi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump khởi xướng chiến tranh thương mại với Trung Quốc vài năm trước. Khi đó, các hãng sản xuất chuyển chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc để tránh thuế nhập khẩu vào Mỹ.

Sau đó, làn sóng này ngày càng lan rộng khi quan hệ thương mại Mỹ - Trung tiếp tục xuống cấp dưới thời Tổng thống Joe Biden. Sau chuyến thăm Trung Quốc hồi tháng 8, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo cho biết các doanh nghiệp Mỹ đã phàn nàn về môi trường kinh doanh tại Trung Quốc.

Các số liệu gần đây cho thấy rất rõ sự chuyển hướng trong tâm lý với Trung Quốc. Khảo sát thường niên của Hội đồng Kinh doanh Mỹ - Trung Quốc thực hiện hồi tháng 6 và 7 cho thấy hơn một phần ba câu trả lời là đã giảm hoặc dừng đầu tư vào Trung Quốc trong năm qua.

Đây là con số cao kỷ lục, vượt 22% trong khảo sát năm ngoái. Phần lớn doanh nghiệp tham gia là các công ty đa quốc gia lớn của Mỹ. Nhóm này cho biết địa chính trị "là vấn đề lớn duy nhất gây sức ép lên tâm lý doanh nghiệp trong dài hạn".

"Nhiều công ty sắp rời đi hoàn toàn", Matt Dollard - nhà phân tích cấp cao tại hãng tư vấn RSM US cho biết. Dollard đã làm việc với một nhóm nhà cung cấp xe hơi có kế hoạch rút hoàn toàn khỏi Trung Quốc trong vòng 3 năm.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp nhận thấy đây không phải là việc dễ dàng, vì Trung Quốc đã phát triển nền tảng sản xuất khổng lồ. Trong nhiều trường hợp, dù mở rộng sang nước khác, họ vẫn cần nguyên vật liệu từ Trung Quốc để hoàn thiện sản phẩm.

Jim Estill - CEO Danby Appliances đã tìm ra giải pháp cho vấn đề này. Cách đây 5 năm, ông phải nhập 85% nguyên vật liệu từ Trung Quốc. Nhưng vài năm qua, ông tìm nhà cung cấp thay thế ở Thổ Nhĩ Kỳ và kỳ vọng tỷ lệ nhập hàng từ Trung Quốc giảm về 50% năm tới.

Danby cũng có nhà máy lắp ráp tại Mỹ và Canada. Ông đã chi hơn 20 triệu USD để mua nhà xưởng tại Canada, nhằm cung cấp đầu vào cho các nhà máy của mình. "Tôi chỉ lo vấn đề chính trị thôi", ông nói.

Dù vậy, một số doanh nghiệp vẫn quyết tâm đầu tư tại Trung Quốc. Ryan Gunnigle - CEO hãng đồ chơi Kids2 - cho biết sẽ tiếp tục rót tiền xây nhà máy ở đây. Gunnigle nói rằng ông đang có vài dự án ở nước khác, "nhưng quy mô không bằng Trung Quốc" vì nước này có cơ sở hạ tầng tốt, các hãng sản xuất chất lượng cao và chi phí thấp.

Hà Thu (theo Reuters)

Zalo
Hotline